Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Trong phiên giao dịch đầu tuần 24/10, cổ phiếu đầu ngành HPG giảm sâu 12,2% so với tuần trước, xuống mức 16.850 đồng/cổ phiếu. Theo đó, đây là mức giá đóng cửa thấp nhất trong vòng gần 2 năm (tính theo giá điều chỉnh) của cổ phiếu đầu ngành thép này.
Như vậy, sau khi chính thức rơi xuống giao dịch trong vùng giá 1x vào thời điểm đầu tháng 10 vừa qua, thị giá HPG của Hòa Phát tiếp tục giảm sâu xuống vùng 16.xxx đồng như hiện tại.
Trong một năm qua, cổ phiếu Hòa Phát đã giảm khoảng hơn 61% thị giá so với đỉnh hồi cuối tháng 10 năm ngoái.
Theo đó, mức định giá của HPG thậm chí còn thấp hơn giá trị sổ sách, P/B chỉ đạt 0,76 lần, điều rất hiếm khi xảy ra bởi các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Vốn hóa thị trường theo đó bị mất đi khoảng 6,5 tỷ USD trong vòng 1 năm qua, xuống còn 98.300 tỷ đồng.
Việc cổ phiếu liên tục rớt giá cũng khiến khối tài sản của “Vua Thép” Trần Đình Long bốc hơi 1,8 tỷ USD theo tính toán của Forbes, còn ở mức 1,4 tỷ USD.
Lợi nhuận quý 3/2022 của Hòa Phát có thể lao dốc tới 80%
Như vậy, sau đúng 2 năm kể từ khi vượt qua cột mốc 100.000 tỷ đồng, Hòa Phát lại trở về với giá trị ban đầu, ngày càng xa rời nhóm vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý, thép là nhóm ngành mang tính chu kỳ cao, có mức độ biến động giá rất lớn nên trong những giai đoạn tâm lý nhà đầu tư xuống thấp, nhóm ngành này thường chịu áp lực bán mạnh.
Giữa lúc thị trường thép không thuận lợi như trên, mới đây SSI Research cũng đã hạ ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2022 của Hòa Phát xuống còn 2.100 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm lợi nhuận của Hòa Phát trong giai đoạn này là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép cuộn cán nóng HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do tiền đồng giảm giá 2,5% so với đô la Mỹ.
SSI Research dự báo lợi nhuận của Hòa Phát có thể chạm đáy trong quý 3 và phục hồi từ quý, mặc dù công ty có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm cho đến quý 1/2023.