Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Sáng nay (20/2), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Đối với Luật Đầu tư, dự thảo sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng như thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện…
Đối với Luật Doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của doanh nghiệp, bãi bỏ con dấu doanh nghiệp, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp…
Luật sư Trương Thanh Đức.
Chủ yếu là sửa sai
Bình luận về dự thảo luật này, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, qua ba năm thi hành luật, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75 điều luật trên tổng số 289 điều của hai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và chín luật khác. Ngoài ra đã sửa đổi ba điều và một phụ lục Luật Đầu tư vào năm 2016.
Song theo ông Đức, việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai.
Ông lấy ví dụ: Điểm b, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.
“Nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa”, ông Đức nói.
Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật).
Do vậy, ông kiến nghị cần bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần phải xem xét. Chẳng hạn, cần phải thừa nhận văn phòng ảo, thực ra là thật với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký tại một địa chỉ, với một vài trăm, thậm chỉ một vài chục mét vuông. Mô hình này đã phát triển tương đối nhiều từ trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Về Luật Đầu tư, ông Đức cho rằng cốt lõi của luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. Điểm a, Điều 1 của dự thảo Luật giải thích “Đầu tư kinh doanh là việc bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác để kinh doanh”. Mặt khác, ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây.
Ông Đức kiến nghị nên bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.
“Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy… Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vây, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài”, ông Đức phát biểu.
Nên chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty
Theo ông Đức, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là doanh nghiệp tư nhân (trách nhiệm vô hạn và không có tư cách pháp nhân).
“Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm doanh nghiệp tư nhân, nay đã hết vai trò. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ pháp lý”, ông Đức bình luận.
Do đó, ông Đức cho rằng đã đến lúc loại bỏ hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh) để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty, đồng thời quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế.
Các dự án tiềm năng bạn nên tham khảo :
1. Khu dân cư Tây Nam Center
2. Khu dân cư Lotus RiverSide
3. Khu dân cư Vins Residence
4. Khu dân cư Đức Hòa Center