Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Quy định của Thông tư 33 nhằm khắc phục những tồn tại như tranh chấp, mâu thuẫn giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.
Ông Mai Văn Phấn
“Việc ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất (SDĐ) lên giấy chứng nhận (GCN) chỉ áp dụng đối với trường hợp đất được cấp cho hộ gia đình. Không có việc cấp GCN là phải ghi hết tên các thành viên trong gia đình lên giấy”. Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM sáng 23-11 về Thông tư 33/2017 của Bộ, sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12.
Chỉ áp dụng với đất cấp cho hộ gia đình
Phóng viên: Sau khi Thông tư 33 được ban hành, nhiều người dân hoang mang vì thông tin phải ghi tên của cả gia đình vào GCN. Hiểu như thế có đúng không, thưa ông?
Ông Mai Văn Phấn: Trước hết, xin khẳng định ngay việc ghi tên các thành viên có chung quyền SDĐ vào GCN chỉ áp dụng đối với loại đất được giao cho hộ gia đình. Còn tất cả trường hợp cấp giấy khác vẫn ghi bình thường như từ trước đến nay, không có gì thay đổi.
Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33 đã hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người SDĐ đối với trường hợp cấp GCN cho hộ gia đình SDĐ. Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai, hộ gia đình SDĐ là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền SDĐ chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền SDĐ; nhận chuyển nhượng quyền SDĐ.
Do đó khi ghi GCN thì chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền SDĐ trong hộ gia đình. Các thành viên khác dù có tên trong hộ khẩu nhưng không có chung quyền SDĐ thì không ghi trên GCN. Bởi vì họ không phải là nhân khẩu mà Nhà nước đã xác định để giao đất cho hộ gia đình trước đây, cũng không có công đóng góp để tạo lập quyền SDĐ của hộ.
Việc ghi tên các thành viên trong gia đình lên giấy đỏ chỉ áp dụng đối với trường hợp đất được cấp cho hộ gia đình, các thành viên trong hộ có chung quyền SDĐ. Ảnh: HTD
Có quyền sử dụng đất hợp pháp đều có tên
Thưa ông, rất nhiều người hiểu rằng đất cấp cho hộ gia đình chỉ áp dụng với đất nông nghiệp, cách hiểu này đúng không? Trong trường hợp nào thì đất đai được gọi là tài sản chung của hộ gia đình?
Theo quy định, với những trường hợp Nhà nước giao đất cho các hộ gia đình thì đó là tài sản chung của hộ gia đình.
Có nhiều dạng đất cấp cho hộ gia đình như Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền SDĐ, hay cấp đất tái định cư cho hộ gia đình… Hay nói cách khác, bản chất của việc này là ai có quyền SDĐ mà đủ điều kiện cấp giấy thì đều có tên trên GCN.
Trước đây hộ gia đình được giao đất thì việc ghi trên GCN như thế nào? Tại sao bây giờ phải thêm nội dung này?
Trước đây chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình trên GCN, còn những người khác không có tên. Đây là một bất cập cần phải khắc phục để đảm bảo quyền lợi người dân.
Quy định của Thông tư 33 nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền SDĐ. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người SDĐ, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền SDĐ trong hộ gia đình.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ khái niệm “hộ gia đình” vì quy định như vậy là thừa. Ý kiến ông thế nào?
Là cơ quan tham mưu, chúng tôi rất cầu thị và ghi nhận ý kiến này. Tuy nhiên, khái niệm “hộ gia đình” vốn đã có từ trước đến nay. Trong BLDS và Luật Đất đai cũng có quy định, giải thích rõ về khái niệm này. Do đó Thông tư 33 cũng chỉ làm rõ những quy định của luật.
Các dự án tiềm năng bạn nên tham khảo :
1. Khu dân cư Tây Nam Center
2. Khu dân cư Lotus RiverSide
3. Khu dân cư Vins Residence
4. Khu dân cư Đức Hòa Center