Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Không dại cho vay
Theo phản ánh của nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM), cho vay mua nhà của các ngân hàng được thực hiện theo đúng quy trình và được kiểm tra kiểm soát khá nghiêm ngặt. Người vay phải có tài sản thế chấp là bất động sản và các ngân hàng chỉ cho vay tối đa 70% giá trị bất động sản được thế chấp. Bên cạnh đó người vay phải chứng minh thu nhập để trả nợ bằng tiền công, tiền lương, tiền cho thuê nhà… mới được vay vốn. Dòng tiền đổ vào kinh doanh, mua bán đất nền đến từ các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và gần như không có ngân hàng nào cấp tín dụng để mua đất nền giá cao.
Ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tân Sài Gòn (TP HCM) cho biết, đến thời điểm hiện tại ngân hàng này hoàn toàn nói không với việc cho vay đầu tư, kinh doanh đất nền. Đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, Vietcombank chỉ cho vay đối với khách hàng mua nhà để ở tại các dự án đã được chính quyền địa phương cấp phép; hoặc cho vay xây, sửa nhà đối với người dân ở các quận, huyện. “Tất cả các quy trình về vay vốn, hạn mức tín dụng, lãi suất, thời hạn vay và quy trình giải ngân đều được thực hiện theo đúng quy định của Vietcombank và tuân thủ các quy định của NHNN”, ông Hào cho biết.
Ngân hàng chủ yếu cho vay cá nhân mua nhà ở để có tài sản đảm bảo và có dòng tiền trả nợ của người vay vốn.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dòng tiền đổ vào các cơn sốt đất nền ở các địa phương thời gian qua đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm tiền nhàn rỗi trong dân, tiền nhà đầu tư thắng chứng khoán… Thậm chí là tiền tích lũy chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, nhưng hiện nay các nhà đầu tư thấy khả năng sinh lợi từ đất nền cao hơn nên đổ vào mua bán, sang nhượng để kiếm lợi.
“Ngân hàng đang kiểm soát tín dụng kinh doanh bất động sản chặt chẽ thông qua các hệ số rủi ro. Ngay như cho vay mua nhà, sửa nhà ở ngân hàng cũng đều phải thẩm định giá trị tài sản và mục đích sử dụng vốn nghiêm túc, nên không dại gì mà cho vay vào những chỗ phân lô bán nền giá cao và rủi ro bong bóng như vậy”, đại diện Vietcombank nói.
Phó giám đốc một chi nhánh BIDV tại TP HCM cũng cho rằng, các ngân hàng đương nhiên sẽ không ký hợp đồng tín dụng đối với khách hàng vay vốn với mục đích để kinh doanh mua bán đất nền bởi rủi ro rất lớn. Theo đó, đất nền sốt giá chủ yếu diễn ra ở các khu vực nghe ngóng có thông tin quy hoạch hạ tầng như đường xá, cầu cảng, sân bay... Giá đất bị thổi lên gấp hàng chục đến vài chục lần, trong khi đó pháp lý tài sản đất nền không phải chỗ nào cũng rõ ràng, minh bạch.
Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, hiện các ngân hàng chỉ cho vay xây, sửa nhà ở theo các gói tín dụng tiêu dùng có quy định rõ về lãi suất, hạn mức vay, thời gian vay cụ thể chứ không đơn vị nào “dám liều” cho vay để phục vụ mục đích mua bán, sang nhượng đất nền vì độ rủi ro rất lớn, thậm chí còn nhiều khả năng vi phạm pháp luật về cho vay vì tài sản thế chấp và mục đích sử dụng vốn vay không đáp ứng được các quy định về cho vay khách hàng.