Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết” quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phân tích việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết rất phức tạp và có tính toàn cầu. Nó đã và đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam và các nước đang phát triển mà còn khá phổ biến ở các nước phát triển kể cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Đối tượng quản lý cũng khá phức tạp, bao gồm không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả các tập đoàn quốc gia và xuyên quốc gia có hành vi chuyển giá, chuyển chi phí và phân bố lợi nhuận nhằm giảm lợi nhuận tính thuế.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một bước tiến quan trọng đảm bảo tính minh bạch và công bằng của quản lý thuế”, ông Nghĩa nhận định.
Theo ông, Việt Nam chưa có điều kiện về pháp lý và phương tiện kỹ thuật để đánh giá chính xác các hoạt động chuyển giá, chuyển chi phí và phân bổ lợi nhuận của các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa.
“Khảo sát sơ bộ của chúng tôi ở một vài công ty liên doanh của nước ngoài với Việt Nam (dựa vào đối tác Việt Nam để xem xét) cho thấy hoạt động này khá phổ biến và kéo dài từ rất lâu ở Việt Nam mà chúng ta không có cách nào ngăn chặn. Nó ảnh hưởng không chỉ đến thu thuế của Chính phủ mà cả lợi ích hợp pháp của các bên liên doanh Việt Nam. Nghị định 20/2017 của Chính phủ là công cụ quan trọng để hạn chế và ngăn ngừa sự thiếu minh bạch và bất công bằng này”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, nghị định này áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với hai chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau. Nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam.
Về kế toán, việc chấp nhận các hóa đơn để hạch toán chi phí và tính thuế cũng khác nhau. Nhìn chung các doanh nghiệp nước ngoài theo chuẩn kế toán quốc tế (IAS) được chấp nhận dễ dàng hơn. Ngoài ra hầu hết các loại tài sản tài chính của các doanh nghiệp nước ngoài theo IAS đều được đánh giá lại theo giá thị trường để tính thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có quyền lựa chọn các phương pháp tính khấu hao tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh của mình. Đồng thời cũng có quyền trích lập dự phòng rủi ro cho nhiều loại tài sản nội bảng…
Theo TS. Nghĩa, sự khác biệt này khiến cho việc so sánh về doanh thu, về tỷ suất lợi nhuận, lợi nhuận trở nên rất phức tạp.
Đặc biệt, chuyên gia này cũng cho rằng, tại Điều 8 về xác định chi phí tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù cũng cho thấy một số vấn đề cần lưu ý.
Cụ thể là, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có vốn tự có so với vốn vay rất thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
“Khảo sát của chúng tôi năm 2017 cho thấy tỷ lệ vốn tự có trên vốn vay của 500 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán chỉ khoảng 34%, nếu tính chung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tỷ lệ này rất thấp. Tỷ lệ này trong khu vực kinh doanh bất động sản chỉ đạt 25%. Như vậy chi phí tài chính từ các khoản vốn vay rất lớn”, TS. Nghĩa phân tích.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ở Việt Nam rất cao, thường là gấp đôi, thậm chí là gấp 2,5 lần các nước trong khu vực và kéo dài rất nhiều năm và đang có xu hướng tăng ổn định, nghĩa là không có khả năng giảm.
Theo TS. Nghĩa, điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc ngày càng sâu hơn vào vốn vay và làm giảm khả năng tích tụ tài chính hợp pháp trong suốt quá trình kinh doanh. Đây cũng là lý do giải thích vì sao ở Việt Nam không hình thành được các tập đoàn công nghiệp lớn nhờ vào tích tụ tư bản, ngoài trừ một vài tập đoàn hiếm hoi và cũng đang cố gắng để đứng vững lâu dài trên thị trường mà phần lớn từ khu vực bất động sản và ngân hàng.
Ảnh minh hoạ.
Mặt khác, kinh doanh bất động sản nói chung đều sử dụng chủ yếu vốn vay trung và dài hạn, có lãi suất rất cao, có xu hướng tăng nhanh hơn lãi suất ngắn hạn do các quy định mới và kiểm soát dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Trong điều kiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu còn rất yếu thì chi phí tài chính sẽ là gánh nặng ngày càng lớn cho doanh nghiệp bất động sản.
Cần có lộ trình thích hợp
Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nếu lãi vay dài hạn bình quân vượt qua con số 12,5%/năm thì kinh doanh bất động sản sẽ gặp khó khăn lớn và giá trị gia tăng toàn ngành suy giảm mạnh khiến thị trường này có thể rơi vào tình trạng nguội lạnh dần.
Ông Nghĩa cho rằng, Bộ Tài chính có mục tiêu là làm thế nào để tăng thu cho ngân sách, vì mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, xét trong trường hợp Nghị định 20, có thể họ đang phải cân nhắc một số việc.
Thứ nhất, nghị định nên áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp, cả Việt Nam và FDI hay chưa? Hay chỉ nên áp dụng cho nguyên các doanh nghiệp FDI? Nhưng nếu chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp FDI thì có thể Bộ Tài chính sợ sẽ bị kiện. Tức là sẽ không công bằng khi đặt ra câu hỏi: tại sao cùng là doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam nhưng lại có sự phân biệt, đối xử về thuế như thế.
Thứ hai, trong trường hợp Bộ Tài chính chỉnh sửa nghị định theo hướng áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng không thể thiết kế theo hướng phân biệt để doanh nghiệp Việt Nam có một tỷ lệ khác so với doanh nghiệp FDI. Nếu cùng tỷ lệ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thiệt thòi.
“Trên thực tế, Bộ Tài chính hoàn toàn biết các doanh nghiệp FDI có rất nhiều thủ đoạn để chuyển giá, tăng chi phí để giảm thuế phải nộp, mà phương thức được nêu ra trong nghị định này là chủ đạo. Bởi khi doanh nghiệp FDI giải ngân, 88% họ giải ngân bằng máy móc, thiết bị; giải ngân bằng tiền mặt chỉ chiếm 12%. Như vậy chứng tỏ, ngay giá thiết bị có thể bị tính cao; thứ hai là họ vay nguồn vốn lưu động từ công ty mẹ với lãi suất rất cao. Đó là hai phương thức chủ chốt để FDI gian lận về thuế tại Việt Nam”, ông Nghĩa cho biết.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, có thể Bộ Tài chính đang rất khó xử ở một điểm nữa. Đó là nếu sửa nghị định theo hướng giảm tỷ lệ như thế nào đó để cho các doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận được thì lại có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Nếu để như hiện nay thì lại có hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Nên chăng Bộ Tài chính có thể xem xét và có lộ trình thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay”, ông Nghĩa đề xuất.
Các dự án tiềm năng bạn nên tham khảo :
1. Khu dân cư Tây Nam Center
2. Khu dân cư Lotus RiverSide
3. Khu dân cư Vins Residence
4. Khu dân cư Đức Hòa Center