Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Ngày 29/9, theo thông tin của một số cơ quan báo chí, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa gửi công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cung cấp tài liệu về việc xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, trước ngày 30/9.
Ngoài ra, C03 cũng đề nghị Hà Nội cung cấp hồ sơ liên quan quá trình điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ 2013 đến nay.
Đây là thông tin mới nhất liên quan đến Nhà máy này. Trước đó, đã có không ít những “lùm xùm” liên quan đến dự án này khiến dư luận dậy sóng.
Giá nước “cõng” cả chi phí lãi vay
Nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công hồi tháng 3/2017, trên diện tích 62 ha, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và Trung Màu, huyện Gia Lâm, theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công trình do Tập đoàn AquaOne làm chủ đầu tư. Bà Đỗ Thị Kim Liên (thường gọi là Shark Liên) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Nhà máy có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng, trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Gần 4.000 tỷ đồng còn lại là vốn vay.
Với quy mô và vốn đầu tư, Nhà máy nước mặt sông Đuống được đánh giá là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc.
Tháng 9/2019, nhà máy hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu vận hành, cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho người dân Hà Nội với mức giá được TP Hà Nội duyệt là 10.246 đồng/m3. Mức giá này thời gian đó cũng khiến dư luận “nổi sóng” bởi mức giá này đắt gấp 2 lần so với giá nước thông thường (giá nước sông Đà là khoảng hơn 5.000 đồng/m3).
Điều đáng nói, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.
“Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng/m3 nước” - ông Hà nói thêm.
Tuy nhiên, ngay sau đó, lãnh đạo TP Hà Nội (khi đó là ông Nguyễn Đức Chung) cho rằng, phát biểu về cơ cấu giá nước sạch sông Đuống của Giám đốc Sở Tài chính là sai khiến dư luận hiểu lầm và cho rằng, mức giá 10.246 đồng/m3 là mức để nhà đầu tư lập dự án.
Chưa đủ nghiệm thu vẫn đưa vào khai thác sử dụng
Ngày 5/9/2019, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã chính thức khánh thành giai đoạn 1, đưa vào vận hành từ tháng 10/2019 với công suất 150.000 m3/ngày, bổ sung nguồn cấp nước cho địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam của thành phố Hà Nội.
Tại lễ khánh thành, Dự án được giới thiệu là sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng bảo đảm cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050. Các quy trình xử lý nước đều được “tự động hoá hoàn toàn”.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) cho biết, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư (Nhà máy Nước sạch sông Đuống) chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống… Do đó, Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Trả lời báo Lao động, PGS-TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - cho biết, về nguyên tắc, trước khi khánh thành công trình và đưa vào hoạt động thì chủ đầu tư phải gửi bộ hồ sơ nghiệm thu công trình lên Cục Giám định để thẩm định. Công trình chỉ được phép đi vào hoạt động nếu Cục Giám định gửi văn bản cho chủ đầu tư chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Đánh golf ngay cạnh hồ nước
Những lùm xùm trên chưa kịp lắng xuống thì ngày 18/11/2019, Shark Liên lại “nổi sóng” mạng xã hội khi bà chia sẻ những hình ảnh đang chơi golf bên cạnh hồ chứa nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Hình ảnh bà Liên chơi golf bên cạnh hồ chứa nước
Nhiều người cho rằng chưa cần biết những quả bóng golf này có gây ô nhiễm nguồn nước hay không nhưng với thái độ chơi golf đưa những quả bóng này xuống hồ là thiếu tôn trọng khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh lùm xùm thông tin giá nước sông Đuống cõng thêm lãi Vay ngân hàng.
Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi liệu việc xây dựng sân tập golf ngay bên cạnh hồ chứa nước có đúng với các quy định, tiêu chuẩn về việc xử lý nước?
Trả lời Dân Việt, đại diện Bộ Xây Dựng cho biết, việc xây dựng sân tập golf bên trong trong nhà nước mặt sông Đuống thì phải hỏi TP Hà Nội, Bộ Xây dựng không biết sân golf này tồn tại.
Các dự án tiềm năng bạn nên tham khảo :
1. Khu dân cư Tây Nam Center
2. Khu dân cư Lotus RiverSide
3. Khu dân cư Vins Residence
4. Khu dân cư Đức Hòa Center