Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định: Phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Nhu cầu có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực.
Bởi vậy, Tiền Giang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang
Với hơn 4.300 DN đang hoạt động, hiện nay nhu cầu nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh rất lớn, xin ông cho biết kế hoạch phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tại Tiền Giang?
Những năm gần đây, rất nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng được ban hành tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở trong lĩnh vực này.
HĐND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở. Đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016- 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng khoảng 8.195 căn nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 40% số công nhân. Giai đoạn 2021- 2030 xây dựng khoảng 17.639 căn nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 60% số công nhân.
Thực tế, đến nay trên địa bàn tỉnh đã đưa vào khai thác sử dụng một số khu nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư xây dựng như: Chung cư Khu phố 1, phường 6, TP Mỹ Tho; Chung cư Học Lạc, phường 3, TP Mỹ Tho.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư nhà ở cho công nhân như: Công ty cổ phần Hùng Vương; Công ty cổ phần Gò Đàng; KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp; Công ty Cổ phần Tex Giang; Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức… . Tổng số hiện tại gần 500 phòng đáp ứng nhu cầu của khoảng 6000 công nhân.
Nhà ở cho công nhân của Công ty cổ phần Gò Đàng
Tuy nhiên, mới đây, đại biểu Quốc hội đã chất vấn liên quan đến nội dung Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong xin tỉnh Tiền Giang cấp 2ha đất để xây nhà miễn phí cho công nhân không được chấp nhận, xin ông cho biết vì sao lại có kiến nghị này?
Trước hết, phải khẳng định thông tin Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong(Công ty Thuận Phong) đưa ra là không chính xác và không có cơ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối với nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh(Sở Xây dựng) báo cáo UBND cấp tỉnh thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng kí làm chủ đầu tư, hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng kí làm chủ đầu tư.
Chủ đầu tư dự án phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan.
Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Công ty Thuận Phong về việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân trong khu đất Kho 302 ngày 22/11/2017 vừa qua, ông Mai Văn Nước - Phó Giám đốc công ty cũng đã thừa nhận công ty chưa thực hiện các thủ tục đầu tư mà chỉ tìm hiểu về diện tích đất để xây dựng.
Do chưa thống nhất với tỉnh về diện tích đất là 1,949 ha hay 1,1 ha, nên công ty không thể làm thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, công ty vẫn theo tiếp dự án này và đề nghị tỉnh cung cấp chính thức thông tin kêu gọi đầu tư dự án ở khu đất này để công ty nghiên cứu lập dự án theo quy định.
Vậy, hướng giải quyết của UBND tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, nếu công ty quyết tâm thực hiện dự án này theo đúng quy định của pháp luật, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét. Trường hợp công ty tiếp tục không thực hiện đúng quy định, đưa ra các đề xuất không có cơ sở pháp lý thì tỉnh sẽ chấm dứt, không xem xét vấn đề này nữa.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần có thư mời Công ty Thuận Phong đến để giới thiệu khu đất 1,1ha còn lại nêu trên trong quy hoạch, đồng thời yêu cầu công ty nghiên cứu lập hồ sơ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân của công ty trên phần đất 1,1ha.
Tuy nhiên, Công ty Thuận Phong nhiều lần trả lời không đồng ý diện tích 1,1ha mà yêu cầu UBND tỉnh giao đủ 1,949ha, trong khi công ty không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
Tiền Giang là tỉnh thực hiện rất tốt Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có rất nhiều dự án nhà ở cho công nhân được triển khai. Dự án nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tân Hương với quy mô hơn 6ha có tổng số căn hộ là 3.057 căn, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 11.500 công nhân.
Dự án án chung cư Mỹ Lợi phường 3, TP Mỹ Tho quy mô 250 căn. Bên cạnh đó Thiết chế của công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An, quy mô hơn 3ha, tổng số 1.062 căn, đáp dứng nhu cầu nhà ở cho trên 5.200 người. Dự án nhà ở xã hội Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP Mỹ Tho có quy mô dân số hơn 1.000 người, hiện dự án đã phát hành hồ sơ kêu gọi đầu tư, thời gian đến tháng 01/2018.
Khu vực xây dựng Thiết chế của công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An, quy mô hơn 3ha, tổng số 1.062 căn, đáp dứng nhu cầu nhà ở cho trên 5.200 người
Như vậy có thể thấy, Tiền Giang đang rất nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhà ở cho công nhân. Chủ trương của tỉnh là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhằm huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Mọi doanh nghiệp đều được tiếp cận bình đẳng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Qua đó, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là trong giai đoạn 2016-2020 cần phải “thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên”.
Các dự án tiềm năng bạn nên tham khảo :
1. Khu dân cư Tây Nam Center
2. Khu dân cư Lotus RiverSide
3. Khu dân cư Vins Residence
4. Khu dân cư Đức Hòa Center